Kháng kháng sinh ở Việt Nam cao nhất thế giới

p1 banner text

Kháng kháng sinh là gì?

Tình trạng Kháng thuốc kháng sinh hay Kháng thuốc trụ sinh xảy ra khi một loại vi sinh vật tiến hóa để đề kháng mạnh hơn hoặc hoàn toàn với kháng sinh mà trước đây có thể trị được. Sự đề kháng phát sinh thông qua một trong ba cách: Đề kháng tự nhiên trong một số loại vi khuẩn; gen đột biến; hoặc bởi một loài có được sức đề kháng từ một loài khác.

Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Từ năm 2009 đến nay, số lượng thuốc kháng sinh ở Việt Nam bán ra ngoài cộng đồng đã tăng gấp 2 lần. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.

11052017

Đã xuất hiện siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh

Tại một hội nghị của Bộ Y tế về kháng thuốc cuối tháng 9.2017, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, tình trạng kháng thuốc ngày càng trầm trọng và là mối nguy đe doạ sức khoẻ toàn cầu. Tình trạng kháng thuốc kháng sinh gây tác động lớn đến nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội. Không chỉ riêng đối với Việt Nam nó còn tác động đến tất cả các nước trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại toàn cầu hoá hiện nay.

Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng khi xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc. Tại hội nghị khoa học toàn quốc về hồi sức cấp cứu và chống độc 2017, GS Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc – bày tỏ lo ngại về tình trạng kháng kháng sinh tại nước ta. Theo ông, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh. Trong đó tình hình kháng thuốc tại các tỉnh phía Nam nghiêm trọng hơn.

Tại các khoa hồi sức tích cực, vấn đề này còn nan giải hơn, do nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị. Tại các tỉnh phía Nam, tỉ lệ Ecoli (vi khuẩn đường ruột) kháng kháng sinh lên tới 74,6%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K.pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%… Với nhóm kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỉ lệ lên tới 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm mang gen kháng thuốc như Beta lactamase.

ntpharma-20190511_050933_115973_khang-sinh-do-vi-kh-max-1800x1800-6383300

PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế – cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Tình trạng các bác sĩ sử dụng kháng sinh không hợp lý cũng được cảnh báo. Theo khảo sát của BV Chợ Rẫy, khoảng 50% kháng sinh được bác sĩ kê đơn bất hợp lý; 32% bác sĩ chỉ định sử dụng kháng sinh cho các bệnh nhân không nhiễm khuẩn; 33% bác sĩ sử dụng kháng sinh kéo dài và không cần thiết… Trong khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới trên thế giới không kịp so với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng kháng sinh.

Trong hơn 5 năm (từ 1983 – 1987), cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ mới chỉ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh. Còn từ năm 2008 đến nay không có thêm kháng sinh mới nào được tìm ra. Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.

Để hạn chế tình trạng này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập nhóm kỹ thuật về giám sát kháng thuốc giai đoạn từ năm 2017-2020. Nhóm sẽ có nhiệm vụ tham gia phối hợp, đánh giá, báo cáo giám sát về kháng thuốc và đưa ra các giải pháp ngăn chặn sự gia tăng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh thường gặp.

Lo ngại kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ

Ở trẻ nhỏ, tình trạng kháng kháng sinh cũng vô cùng nghiêm trọng. Từ kết quả khám sàng lọc bệnh nhi đến khám và điều trị tại viện, PGS-TS Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương – cho biết có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý.

Thực tế thăm khám cho các bệnh nhi, PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai – đã gặp rất nhiều trường hợp cha mẹ tự làm bác sĩ, tự ý mua thuốc điều trị cho con làm ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sĩ. Bởi, việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, dùng với liều lượng không thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Điều này sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn và làm trẻ mệt mỏi hơn.

“Để kê được đơn thuốc cho bệnh nhân, bác sĩ chúng tôi phải học hỏi, trau dồi kỹ năng rất nhiều năm. Và kể cả những người đã có kinh nghiệm cũng phải thăm khám, hỏi han triệu chứng của bệnh nhân, rồi sau đó phải đắn đo, suy nghĩ mới kê được đơn thuốc” – bác sĩ Dũng cho biết.

Tình hình sử dụng thuốc kháng sinh ở các nhà thuốc, quầy thuốc

ntpharma-20190228_081532_241121_frame-05_2-max-800x800-7654393

Hiện có một số khách hàng,  nhất là bà mẹ tự mua thuốc cho con thỉnh thoảng có hỏi uống thuốc Augmentin như thế nào, cháu 1 tuổi 9kg thì uống bao nhiêu? cháu có thể dùng toa thuốc cũ được không? tại sao cháu uống thuốc hoài mà chưa hết, cháu có thể đổi thuốc hay tăng liều được không?

Chúng tôi cũng khó trả lời nhưng câu hỏi như trên vì thời gian có hạn, thông tin mù mờ, nhất là qua điện thoại và thường phải khuyên bệnh nhân, phụ huynh nên đem cháu đến trung tâm y tế hoặc bác sĩ để có khám chữa tới nơi tới chốn.

Bài viết này mong Quý khách hợp tác và thấu hiểu để cùng hợp tác chung điều trị bệnh có liên quan đến thuốc kháng sinh. Hiện Bộ Y Tế cũng đang tìm cách quản lý bán thuốc kháng sinh chặt chẽ hơn.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư từng tiếp nhận bệnh nhân 20 tuổi (quê Hà Nam) bị uốn ván. Đây là bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu điều trị sớm thì bệnh nhân được cứu sống mà chỉ mất 12-15 triệu đồng. Tuy nhiên, bệnh nhân này kháng các kháng sinh thông thường nên các bác sĩ đã phải dùng nhiều kháng sinh liều cao, thế hệ mới, mới cứu được. Tuy tính mạng được cứu sống nhưng chi phí điều trị lên đến gần 100 triệu đồng, nhà nghèo nên người thân của bệnh nhân đã phải bán hết các tài sản có giá trị nhất.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới được tổng hợp từ 114 quốc gia, người bệnh kháng thuốc phải nằm viện lâu hơn và tỷ lệ tử vong tăng lên ở tất cả các nhóm tuổi. Tại châu Âu: Số ngày nằm viện tăng 2,5 triệu ngày, số người tử vong do kháng thuốc là 25.000 người/năm. Ở Thái Lan: Tăng 3,2 triệu ngày nằm viện và 38.000 người tử vong do kháng thuốc. Ở Mỹ là 2 triệu ngày và 23.000 người…

ntpharma-khang-thuoc-copy-153629252617237223260-9587459
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), đây chỉ là một ca bệnh thông thường, chi phí thấp nhưng khi kháng thuốc đã đội chi phí lên gần một chục lần. Đối với các ca bệnh biến chứng nhiễm trùng máu mà bệnh nhân kháng kháng sinh thì có thể lên đến vài trăm triệu đồng, thậm chí đội lên cả tỷ đồng mà chưa chắc đã cứu được tính mạng bệnh nhân.

PGS-TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết, Việt Nam đã phát hiện nhiều vi khuẩn bệnh viện đa kháng thuốc. Ngoài ra, trong bệnh viện cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị các bệnh do vi khuẩn phế cầu, tụ cầu vàng đều kháng lại nhiều loại kháng sinh. Có những bệnh nhân mắc vi khuẩn kháng kháng sinh và khi bác sĩ cộng nhiều kháng sinh thế hệ mới (3-4 loại) để cùng tấn công con vi khuẩn nhưng vẫn thất bại. Khi đó, dù bác sĩ có cố gắng thế nào cũng không cứu được.

Theo PGS Kính, hậu quả của kháng kháng sinh chính là tính mạng của người bệnh, hoặc khiến bệnh nặng, thời gian điều trị kéo dài và chi phí cao gấp vài lần đến vài chục lần người không kháng kháng sinh. PGS Kính nhấn mạnh, bệnh nhân kháng kháng sinh thì nguy cơ đối mặt với các bệnh hiểm nghèo không có thuốc chữa cao hơn và nguy hiểm hơn cả bệnh ung thư.

PGS – TS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh Phổi T.Ư cho biết, ở Việt Nam ước tính có khoảng 6.000 bệnh nhân lao đa kháng thuốc. “Nếu bệnh nhân lao bình thường một liệu trình chữa trị mất khoảng 100-150USD (2,2-3,3 triệu đồng), còn bệnh nhân lao đa kháng thuốc điều trị mất 9 tháng (trước là 2 năm) và tốn khoảng 4.000 USD (90 triệu đồng), chưa kể sự “mất mát” khi phải nghỉ việc điều trị, phải đi lại khám chữa bệnh, phải làm các xét nghiệm đánh giá… Chúng tôi tính toán chi phí điều trị cho bệnh nhân lao đa kháng thuốc cao gấp 50-100 lần bệnh nhân lao bình thường” – PGS Nhung nói.

Bán kháng sinh vô tội vạ

PGS Kính phân tích, nguyên nhân kháng kháng kháng sinh có nhiều như: Mua thuốc, dùng thuốc kháng sinh vô tội vạ, không theo kê đơn của người dân; việc khuyến khích người dân dùng kháng sinh của không ít cửa hàng bán thuốc. “Cứ thấy người dân “kể bệnh” là người bán thuốc (không hẳn là dược sĩ) đã khuyến khích người dân dùng kháng sinh dù bệnh không cần hoặc chưa đến mức dùng kháng sinh. Thậm chí, họ còn khuyến khích người dân dùng các kháng sinh thế hệ mới, thế hệ cao. Lâu dần, người dân sẽ cần kháng sinh nặng hơn mới khỏi bệnh hoặc kháng kháng sinh” – ông Kính  nói.

ntpharma-105319_thuoc_khang_sinh-5230264
Còn tại bệnh viện, theo PGS Kính, khó khăn lớn nhất hiện nay là các trang thiết bị y tế cũng chưa đáp ứng nhu cầu giúp bác sĩ phát hiện được bệnh nhân kháng kháng sinh nào. Khi có ca bệnh bác sĩ thường dùng kháng sinh theo kinh nghiệm, thường dùng “chiến thuật” bao vây bệnh để “tiêu diệt” bệnh thật nhanh. Do đó thường dẫn đến việc dùng kháng sinh thế hệ cao, dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) nhận định, cần phải kiểm soát và xử phạt cao đối với các cơ sở bán thuốc kháng sinh không kê đơn hoặc khuyến khích người dân dùng kháng sinh khi chưa đi khám, chưa được bác sĩ kê đơn: “Hành vi này không khác gì tội làm chết người. Vì nếu người dân dùng kháng sinh lung tung dẫn đến kháng kháng sinh thì khi bị bệnh không thuốc nào chữa được, chỉ chịu chết”.

NT Pharma, khi khách hàng đến mua thuốc kháng sinh, chúng tôi luôn nhắc nhở khách uống đủ liều, đủ thời gian mới ngưng thuốc chứ không phải cứ hết triệu chứng là ngưng uống thuốc kháng sinh. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều bệnh nhân, có cả trẻ thơ bệnh viện từ chối điều trị chỉ vì vô phương cứu chữa, cho dù đã dùng cả kháng sinh mới nhất, rất đắt tiền, tất cả bệnh nhân này ra đi tội nghiệp chỉ vì đã kháng thuốc kháng sinh.

Click vào hình để phóng lớn ntpharma-d1m1hp-7675575

MỚI HƠN 100 NĂM KỂ TỪ KHI KHÁNG SINH ĐƯỢC TÌM THẤY ĐẾN NAY CÂU CHUYỆN KHÁNG KHÁNG SINH ĐÃ VÀ ĐANG LÀ NỖI ĐAU CỦA KHÔNG ÍT GIA ĐÌNH, VÀ ĐÓ LÀ SẼ DẤU CHẤM HẾT CHO NỀN Y TẾ NẾU TẤT CẢ CÁC LOẠI VI KHUẨN ĐIỀU KHÁNG THUỐC, HÃY CHUNG TAY SỬ DỤNG KHÁNG SINH CÓ TRÁCH NHIỆM.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *