Hội chứng ống cổ tay là tình trạng gây đau, tê bì tay và cánh tay ở một hay cả hai bên. Hội chứng này xảy ra khi dây thần kinh giữa bị chèn ép khi đi qua cổ tay và sẽ trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Vì vậy, việc nhận biết sớm, điều trị sớm là rất quan trọng để cải thiện triệu chứng và phục hồi chức năng cho bệnh nhân.
I.Hội chứng ống cổ tay là gì?
1. Hội chứng ống cổ tay là gì?
Hội chứng ống cổ tay xảy ra do các bất thường trong giải phẫu ống cổ tay. Đây là một đường hầm nhỏ nhằm bảo vệ dây thần kinh giữa, bề rộng khoảng 2,5cm (tương đương 1 inch). Mặt nền và hai bên thành của đường hầm là các xương cổ tay. Mái của đường hầm được che phủ bởi một dải mô liên kết chặt chẽ gọi là dây chằng ngang. Đi trong ống cổ tay có dây thần kinh giữa và các gân gấp các ngón tay lên bám vào cẳng tay. Vì toàn bộ cấu trúc này rất cứng nhắc, đường hầm ống cổ tay tương đối chật hẹp và có rất ít khả năng thay đổi kích thước. Trong khi đó, dây thần kinh giữa lại mềm nhất, nằm nông nhất nên dễ bị tổn thương do chèn ép nhất.
Dây thần kinh giữa là một trong những dây thần kinh chính ở bàn tay. Đây là sợi ngoại biên bắt nguồn từ nhóm rễ thần kinh ở tủy cổ. Dây thần kinh giữa đi xuống cánh tay và cẳng tay, chui qua đường hầm ống cổ tay và đi vào bàn tay.
Chức năng của dây thần kinh giữa là cảm nhận cảm giác ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn. Đồng thời, dây thần kinh giữa cũng chịu trách nhiệm vận động cho các cơ xung quanh gốc ngón tay cái. Khi bị chèn ép, các chức năng của thần kinh giữa bị hạn chế, biểu hiện ra các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay.
2. Biểu hiện của hội chứng ống cổ tay
Nếu đột nhiên bạn cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu tay và tình trạng này càng ngày càng nặng dần theo thời gian, hãy nghĩ đến hội chứng ống cổ tay đầu tiên.
Các triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Cảm giác các ngón tay sưng phồng mơ hồ;
- Tê bì tay, ngứa ran, nóng rát và đau đớn, xảy ra chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và ngón đeo nhẫn;
- Đau hoặc ngứa ran có thể đi lên cẳng tay về phía vai;
- Tay yếu và vụng về, đau cơ, chuột rút và có thể gây khó khăn cho việc thực hiện các động tác mà bình thường vẫn làm tốt như cầm nắm đồ vật, cài nút quần áo, sử dụng điện thoại, lái xe hoặc đọc sách…
- Đánh rơi đồ vật do cảm giác bàn tay tê liệt hoặc mất nhận thức về vị trí của tay trong không gian.
Trong hầu hết các trường hợp, những triệu chứng của hội chứng ống cổ tay bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể nào xảy ra trước đó. Đôi khi các triệu chứng lại xảy ra ban đêm nếu người bệnh ngủ với cổ tay bị cong, gây ra áp lực lên dây thần kinh giữa. Lúc ban đầu, các triệu chứng chỉ thoáng qua, người bệnh đôi khi không nhận biết được. Chỉ đến khi tình trạng xấu đi, các triệu chứng xảy ra thường xuyên hơn hoặc kéo dài trong thời gian dài hơn, họ mới thấy bất thường và đi khám. Lúc này, tình trạng chèn ép trên thần kinh giữa đã thực sự nặng nề.
3. Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là hệ quả của sự kết hợp nhiều yếu tố. Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ và người già có tỷ lệ cao mắc phải bệnh lý này.
Các nguyên nhân của hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Di truyền: Đây có thể là một yếu tố quan trọng. Đường hầm ống cổ tay có kích thước nhỏ hơn ở một số chủng tộc hoặc có sự khác biệt về mặt giải phẫu làm thu hẹp không gian, khiến cho dây thần kinh giữa dễ bị chèn ép hơn.
- Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp ba lần so với nam giới, do nhìn chung họ có đường hầm ống cổ tay nhỏ hơn;
- Sử dụng tay lặp đi lặp lại: Lặp đi lặp lại cùng một chuyển động của bàn tay và cổ tay trong một thời gian dài có thể làm tổn thương các gân ở cổ tay, gây sưng viêm và gây áp lực lên dây thần kinh;
- Vị trí tay và cổ tay: Thực hiện các hoạt động cần phải uốn cong, gập duỗi quá mức bàn tay và cổ tay trong một thời gian dài có thể làm tăng áp lực lên dây thần kinh;
- Thai kỳ: Thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ có thể gây sưng viêm các thành phần trong ống cổ tay;
- Các bệnh lý đi kèm: Tổng trạng béo phì, bệnh tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, suy thận và rối loạn chức năng tuyến giáp là những bệnh lý có liên quan đến hội chứng ống cổ tay;
- Sau tổn thương cổ tay: Do viêm khớp, viêm dây chằng, viêm đơn dây, đa dây thần kinh hay cả các chấn thương cổ tay, chẳng hạn như trật khớp, gãy xương. Những điều này làm thay đổi không gian trong ống cổ tay và gây áp lực lên dây thần kinh giữa.
4. Yếu tố nguy cơ của hội chứng ống cổ tay
Đa số các bệnh nhân đều nhận biết được các biểu hiện của hội chứng ống cổ tay khi làm một số việc thông thường trong đời sống hằng ngày. Cụ thể là các công việc liên quan đến việc lặp lại cùng một chuyển động với cổ tay trong một thời gian dài. Những công việc đó có thể là:
- Công nhân dây chuyền lắp ráp;
- Tài xế lái xe;
- Thợ thủ công;
- Thợ làm bánh;
- Thợ cắt tóc;
- Thu ngân;
- Thư ký, đánh máy;
- Nhạc công.
Tuy nhiên, các bằng chứng khoa học vẫn chưa rõ ràng và còn nhiều mâu thuẫn về việc những yếu tố này là yếu tố nguy cơ hay nguyên nhân trực tiếp của hội chứng ống cổ tay.
Ngay khi có cảm giác ngứa ran, đau hoặc tê ở ngón tay, hội chứng ống cổ tay là điều đầu tiên bạn phải nghĩ đến. Nắm được các thông tin như trên không chỉ giúp bạn nhận biết bệnh sớm, mà còn định hướng cho bạn tìm kiếm trợ giúp y khoa phù hợp; đồng thời, cần điều chỉnh các hoạt động hằng ngày để cải thiện những triệu chứng khó chịu này.
II. CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ
1. Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay như thế nào?
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng với 2 triệu chứng gồm cơ năng và thực thể. Để chẩn đoán được chính xác tình trạng và giai đoạn của bệnh, khả năng phục hồi sau thời gian điều trị cũng như tiên lượng tổn thương khác có thể xảy ra khi chưa có những biểu hiện lâm sàng, phương pháp cho kết quả tốt nhất chính là điện thần kinh và siêu âm đầu dò.
Triệu chứng thường gặp ở những người bị hội chứng ống cổ tay là đau tay, tê tay, tê buốt ở bàn tay và ngón tay. Vào ban đêm, các triệu chứng sẽ trở nặng hơn, khiến người bệnh mất ngủ. Người bệnh có thể mất cảm giác ở các ngón tay. Bệnh có thể gây teo cơ ở ô mô cái, khả năng cầm nắm yếu đi nếu không được điều trị kịp thời.
Siêu âm đầu dò có thể tiến hành đơn giản và dễ thực hiện với độ chính xác cao trong việc đánh giá sự thay đổi của hình thái dây thần kinh, kích thước thần kinh do chèn ép ở ống cổ tay. Bên cạnh đó, siêu âm đầu dò còn có thể xác định được nguyên nhân gây chèn ép từ bên ngoài nếu có như u, nang…
Để kiểm tra cảm giác tại các ngón tay và lực tay, các bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng, bằng cách gõ nhẹ lên dây thần kinh hoặc ấn lên dây thần kinh có xuất hiện triệu chứng, gập cổ tay.
Để đo được vận tốc xung dọc thần kinh và kiểm tra phản ứng của cơ với tín hiệu dẫn truyền, cần thực hiện điện thần kinh. Các tín hiệu dẫn truyền sẽ chậm hơn, phản ứng yếu hơn nếu dây thần kinh bị bó, tổn thương hoặc bị bệnh.
2. Điều trị hội chứng ống cổ tay
Để điều trị hội chứng ống cổ tay hiệu quả, người bệnh cần tránh để cổ tay cử động lặp lại nhiều lần. Đối với những bệnh nhân có nghề nghiệp phải cử động cổ tay nhiều, cần dùng nẹp cổ tay.
Một số phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay giúp làm giảm triệu chứng bệnh gồm:
- Xát hai lòng bàn tay vào nhau, dùng lòng bàn tay bên này xát mu bàn tay bên kia sao cho lòng bàn tay nóng lên. Tiếp đó dùng các ngón tay bên này nắn từng ngón tay bên kia và ngược lại.
- Dùng tay nọ bóp tay kia từ vai trở xuống đến bàn tay trong 1 phút với một lực tương đối mạnh. Tiếp đó dùng tay trái nắm cẳng tay phải, nắm hờ bàn tay phải rồi vận động gấp, duỗi và xoay khớp cổ tay từ trái sang phải rồi ngược lại trong nửa phút, đổi bên làm tiếp như vậy với khớp cổ tay trái. Dùng bàn tay trái nắm từng ngón tay của bàn tay phải rồi kéo với một lực khá mạnh sao cho phát ra tiếng kêu, đổi bên làm tiếp như vậy với các ngón tay của bàn tay trái.
- Vận động gấp, duỗi và xoay khớp khuỷu, khớp vai trong thời gian là 1 phút. Cuối cùng là thực hiện động tác vẩy tay: đứng thẳng, hai chân giang rộng bằng vai, thả lỏng toàn thân, đồng thời đưa hai tay về phía trước sao cho ngón tay cái ngang bằng rốn (tạo với cơ thể một góc 45 độ), tiếp đó đưa tay xuống và ra sau sao cho ngón út không vượt quá mông, lặp đi lặp lại liên tục trong 2 phút.
Người bệnh có thể dùng thuốc kháng viêm không chứa steroid để giảm đau, chỉ nên dùng trong thời gian ngắn. Hoặc có thể tiêm thuốc chứa corticosteroid vào ống cổ tay để giảm viêm, sưng chèn ép lên dây thần kinh. Biện pháp này cũng chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn.
Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, hoặc triệu chứng bệnh trở nên nặng hơn, bạn sẽ được yêu cầu phẫu thuật. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh, bác sĩ sẽ quyết định phẫu thuật theo kỹ thuật nào. Có 2 kỹ thuật bao gồm: mổ nội soi và mổ mở.
- Mổ nội soi: Rạch 2 đường nhỏ ở cổ tay và bàn tay, đưa dụng cụ có gắn camera để quan sát bên trong ống cổ tay và cắt dây chằng. Bệnh nhân thực hiện kỹ thuật này sẽ nhanh phục hồi hơn vì vết mổ nhỏ.
- Mổ mở: Rạch một vết lớn từ lòng bàn tay qua ống cổ tay nhằm loại bỏ mô xương khớp nếu bị viêm gân.
Để phòng ngừa hội chứng ống cổ tay, cần thường xuyên co bóp để tăng tưới máu, cho các cơ bắp được nghỉ ngơi. Đối với những đối tượng phải ngồi nhiều, nên thường xuyên luyện tập thể dục, khi làm việc cần chọn tư thế hợp lý.
Nguồn: st
I was reading some of your blog posts on this site and I conceive this site is rattling informative ! Keep on putting up. Latrena Leon Ilarrold
Thank you for your interest in the article.
Hope this can be of help to you.
————————–
Cảm ơn bạn đã quan tâm bài viết.
Hy vọng điều này có thể giúp ích được cho bạn.